Làm Sao Để Vượt Qua Trầm Cảm? [Phần 1]

Lưu ý: bài viết này được viết vào khoảng 2017 bên blog cũ của mình. Mình chia sẻ lại với các bạn.

Mình đã định viết bài này cũng khá lâu rồi. Ở thời điểm hiện tại, có thể nói là bệnh trầm cảm của mình đã đỡ hơn rất nhiều so với khoảng thời gian cấp 3 và thời đại học. Hôm nay mình share với các bạn cách mình tự vượt qua căn bệnh trầm cảm của bản thân. Do tuổi đời mình còn hạn chế, nên có thể bài này không áp dụng được hết cho mọi người. Ai cảm thấy có ích thì đọc nhé. Hy vọng là sẽ có ích với ai đó.

Mình đã trải qua nhiều lần bị trầm cảm do nhiều vấn đề như gia đình, bạn bè, tình yêu. Mình cũng đi du học một mình 4 năm ở nước ngoài. Cũng có một năm ở thành phố khỉ ho cò gáy, thời tiết lạnh lẽo, về cơ bản là buồn. Có những lúc nhẹ thì mình chỉ tự cô lập bản thân với những người xung quanh, không chơi với ai, hay lên mạng viết bài tự kỉ (như bài này). Lúc nặng thì đập ghế đập bàn, khóc vài tuần liên tục, cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, tim đau quặn liên tục, cả ngày chỉ muốn ngủ, không muốn ăn, không muốn thức dậy, muốn tự tử, đầu đau nhức, làm nhiều trò điên khùng như đốt nến ngồi trong phòng tối tới khi quá mệt thì ngủ rồi dậy rồi lặp lại. Trường kỳ thì hay thay đổi tính cách, dễ thay đổi cảm xúc, dễ tự ái, dễ buồn.

Còn hiện tại thì, cũng một năm rưỡi rồi lần cuối cùng mình bị tự kỉ nặng. Trong một rưỡi vừa qua thì mình sống khá bình yên, vẫn điên khùng như tính cách của mình, nhưng điên một cách tích cực, hòa đồng với mọi người, ít thay đổi cảm xúc hơn, bình tĩnh hơn, vui vẻ hơn rất nhiều. Vậy mình đã làm những gì để vượt qua những thời điểm khó khăn đó?

1) Thiền

Không phải không có lý do mình chọn Thiền là thứ nhất trong danh sách của mình. Thiền gắn bó lên xuống cùng mình cũng được bốn năm rồi, từ những ngày chỉ biết thiền vớ va vớ vẩn cho tới bây giờ có đi học thiền đàng hoàng. Ngày xưa năm nhất đại học chia tay bạn gái, mình bị đợt trầm cảm nặng nhất trong tuổi trẻ của mình. Hậu quả vẫn còn cho tới gần đây mới hết, tức bốn năm. Chỉ sau đợt lên núi ở bên Áo học thiền Vipassana 10 ngày, mình mới giải tỏa gần hết những di chứng của thời đó. Còn trước đó chỉ là giải tỏa tạm thời.

Hồi mới chia tay bạn gái, rồi áp lực về tài chính, rồi cô đơn một mình do đi du học, mình gần như gục đổ (triệu chứng thì mình miêu tả trầm cảm nặng ở trên rồi). Rồi tình cờ sao đó mình lên mạng tìm về thiền. Hồi đó mình chỉ đơn giản là bật nhạc thiền trên Youtube rồi ngồi thở ra thở vào thôi. Sau đó còn mua nến về thiền nữa. Hồi đó mà không có thiền thì chắc mình bị tâm thần rồi. Rồi hồi đó may sao nhờ có thiền, mình bình tâm hơn, 3 tháng sau cơn gục đổ, mình “trở thành” một trong những học sinh “xuất sắc” nhất của khóa, rồi mình cũng đủ điểm để xin đổi trường khác, sang thành phố khác sống, không ở thành phố khỉ ho cò gáy đó nữa.

Thiền không có ma thuật gì cả, cũng chẳng có tôn giáo gì. Thiền đơn giản là để giúp bạn bớt suy nghĩ lung tung, cân bằng lại cảm xúc bị xáo trộn. Nhất là những lúc bị trầm cảm, bị buồn, đầu óc và cảm xúc của bạn sẽ bị tra tấn bởi hàng ngàn suy nghĩ, câu hỏi, nghi vấn, nghi ngờ, đau đớn hàng ngày. Nếu như bạn bị kéo theo, hay bị chìm vào những cơn sóng buồn đó, bạn sớm muộn sẽ bị quật ngã do đuối sức, dẫn tới những quyết định, hành động khác không được sáng suốt. Vậy nên khi bạn đang bị cuốn giữa dòng xoáy của những nỗi buồn hay những suy nghĩ tiêu cực, tối tăm, thì bạn cần bình tĩnh nhất có thể. Thiền sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc đó. Và thiền rất đơn giản. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về thiền trên mạng, tuy nhiên mình thì mình khuyên dùng các app như Calm hay Headspace của nước ngoài. Mình thấy ở Việt Nam thông tin về thiền bị rối loạn, và bị hiểu sai nhiều rồi còn có tẩu hỏa gì nữa…Thiền đơn giản lắm, chỉ là quan sát hơi thở thôi, các bạn đừng theo các loại thiền phức tạp. Lành không thấy, có khi còn bị điên hơn.

Ngoài ra thì mình đã học Thiền Vipassana 3 khóa 10-ngày. Thiền Vipassana thì có toàn thế giới (Tiếng Anh song ngữ với tiếng Bản địa, nên bạn không lo). Riêng mình thì học 1 khóa ở Áo (Tiếng Anh song ngữ với Tiếng Áo), và 1 khóa ở Chùa Hồng Trung Sơn, Nam Cát Tiên (Tiếng Việt). Bạn nào có thời gian thì nên đi học thử.

2) Đừng để những gì xung quanh gợi nhớ về chuyện buồn

Ngày mình rơi vào cơn trầm cảm nặng, ngay ngày hôm sau, mình đủ bình tĩnh để làm một việc mình luôn làm khi mình bị buồn, đó là sắp xếp lại những đồ đạc trong phòng sang một vị trí khác, và vứt hoặc giấu hết những gì có thể làm bạn nhớ lại chuyện buồn, hoặc một người nào đó khiến bạn buồn. Vì lúc xảy ra trầm cảm, khung cảnh xung quanh hay những đồ vật xung quanh sẽ là điểm neo trong trí não bạn sâu đến mức bạn không thể tưởng tượng được. Cho nên bạn phải cố gắng nhổ neo càng nhiều nhất trong khả năng có thể để những ngày sau đó những cái neo buồn nặng trĩu không kéo bạn xuống vực thẳm nữa.

Hồi mình bị trầm cảm, mình đang du học ở nước ngoài, ở một thành phố khỉ ho cò gáy, buồn lắm, mà mình lại không hợp con người ở đó nữa. Cho nên khi mình bị trầm cảm, mình đã đưa ra một quyết định lớn, đó là mình sẽ làm tất cả để đổi sang trường khác, học trường khác, học lại từ đầu cũng được, miễn sao không ở lại đây vì mình sẽ bị chết dần chết mòn ở đây với căn bệnh trầm cảm hiện tại. Tuy có một điều là hồi đó mình học ở một trường cao đẳng, mình thì muốn chuyển sang trường đại học, ở một cấp cao hơn vì mình nghĩ mình sẽ gặp những con người hợp với mình hơn. Mà để chuyển sang trường cao hơn thì mình khó lắm vì điểm mình phải cao và phải giỏi thì mới chuyển được. Mà học kì 1 thì mình học chán lắm, điểm thấp. Mình lúc đó cũng khá bế tắc, không biết làm sao mà có thể chuyển được, nhưng nhất quyết không ở lại đây.

Tình cờ thế nào trong những ngày chán đời, mình lên Youtube tìm những video lấy động lực lại thì xem được Video Steve Job’s Commencement ở Stanford, mình nhớ mãi cái câu “You can’t connect the dots looking forward, you can only connect the dots looking backward”, tức là bạn không thể liên kết những mảnh ghép trong cuộc đời bạn bằng cách nhìn về phía trước được, mà bạn chỉ có thể liên kết những mảnh ghép bằng cách nhìn lại cuộc đời bạn. Xem xong video, mình quyết tâm còn nước còn tát, tự nói với bản thân là trong cơ thể bây giờ đã suy nhược lắm rồi (lúc đó là sau khi mình khóc 2 tuần liên tục, nhốt bản thân trong phòng), nhưng còn miếng sức nào thì sẽ lết đến cùng. Mình quyết định cố gắng học, và kiếm điểm cao để xin đổi trường. Thật thần kì là sức mạnh từ đâu đó đã giúp mình cày cuốc, bình tĩnh, và quyết tâm đạt được những điểm rất tốt trong học kì 2. Ba tháng sau, như đã kể ở trên, mình đã thành công trên bờ vực thẳm khi đơn xin apply trường mới được tuyển. Mình như người cõi chết trở về bằng một phép thần kỳ nào đó.

Một tháng sau thì mình chuyển sang thành phố mới và trường mới luôn. Nói thật là lúc đó mình cảm thấy như được hồi sinh sang một kiếp mới đời người để làm lại. Dù di chứng lúc đó của căn bệnh trầm cảm vẫn còn nặng lắm nhưng đối với mình lúc đó, đó là một cơ hội mình được ban để bắt đầu làm lại từ đầu.

Vậy nên, ngay cả khi ở thời điểm khó khăn nhất, các bạn hãy cố gắng lấy những miếng sức cuối cùng trong cơ thể và cố gắng lết ra được cái hố sâu để không tự đào sâu thêm. Chỉ cần lết ra là bạn sẽ tìm được thêm một chút hy vọng để làm lại. Và cố gắng hạn chế tối đa để những khung cảnh, đồ vật hay kỉ niệm xung quanh gợi nhớ về nguồn gốc nỗi buồn/sự trầm cảm.

Nguyên,

Đọc tiếp Phần 2 ở đây.

Chia Sẻ Bài Viết:

Bài viết trên thuộc series các câu chuyện cá nhân Nguyên chia sẻ qua email hàng ngày.

Đăng ký làm hội viên miễn phí để được nhận các câu chuyện mới sớm nhất qua email!

viVietnamese