Khoá Thiền Vipassana Lần 1 của Nguyên

Bài 1: Ngẫu nhiên hay duyên số

Nếu bạn đã theo dõi những bài viết trước hoặc đã đọc ở đâu đó, một trong những ảnh hưởng lớn nhất lên cuộc sống của mình chính là những khoá Thiền Vipassana, mà ở đây là những khoá 10-ngày mình từng tham dự.

Vipassana có nghĩa là “see things as they are” tức nhìn vạn vật theo đúng bản chất của nó.

Lần đầu tiên mình biết tới nó là trong một dịp mình được mời làm thợ chụp ảnh cho sự kiện khách sạn vào đầu 2015. Chị Naomi, quản lý marketing cho khách sạn The Student Hotel bên Hà Lan, là người mời mình đến Amsterdam để chụp hình cho một sự kiện chào đón học sinh.

Trong sự kiện, mình và chị có nói chuyện và chị kể là chị vừa đi tham gia một đợt retreat thiền 10 ngày về ở bên Bỉ. Mình thấy thú vị phết và mình hỏi thông tin về chuyến retreat. Chị bảo nó tên là Vipassana. Sau đó, mình có tìm hiểu sơ sơ nhưng cũng quên đi.

Trong năm 2015, sau đó, trùng hợp có tới 2,3 người tiếp theo nói về những khoá học 10 ngày này và mình bắt đầu cảm thấy khá tò mò. Tuy nhiên, để sắp xếp 10 ngày đi học là không dễ.

Đến cuối năm 2015, trong dịp mình đi giao lưu văn hoá ở bên Áo 6 tháng, mùa đông năm đó, mình cũng không có plan gì khác trong 2 tuần được nghỉ đông. Với lại mình cũng muốn tiết kiệm chi phí. Thế là mình đăng ký đi thử 1 khoá 10 ngày ở bên Áo. Mình cũng không tìm hiểu gì nhiều và cũng không có nhiều kỳ vọng. Chỉ biết là khoá học miễn phí và không mất phí ăn ở. Quá tuyệt vời.

May mắn là khoá học còn có hỗ trợ tìm người di chuyển chung nếu cần, vì lúc đó mình phải đi từ Vienna, thủ đô của Áo, tới sang bên bờ Tây của Áo, giáp ranh Thuỵ Sĩ. Lúc đầu mình tính đi tàu, nhưng may sao tìm được 3 anh chị có xe hơi để đi chung. Thế là lại đỡ được thêm phí di chuyển. (Hỏi vui chứ bạn có nghĩ mình được “duyên tài trợ” để đi học? 😂)

Giờ lúc này đang viết những dòng này mới thấy một tổ chức hay công ty mà đã làm Customer Experience tới bến là dù profit hay non-profit thì họ sẽ tìm cách hỗ trợ hết mình để thoả mãn cái triết lý của họ, ví dụ như Vipassana là no-cost, no tuition fee, không mất phí.

Mình và các anh chị đi từ sáng sớm 8 giờ, và đến nhá nhem chiều tối tầm 6h thì đến nơi, cũng mất 10-11 tiếng di chuyển. Giờ nghĩ lại lúc đó thấy thời gian di chuyển lúc đó không lâu lắm mà giờ nhìn lại map thì thấy xa thật.

Mình và các anh chị tới thì cũng đã thấy nhiều xe đã tới trước, tụi mình sắp xe, lấy đồ và bắt đầu đi bộ vào trong khu Thiền. Lúc đó nhiệt độ ngoài trời cũng khá lạnh vì vào mùa đông. Mình cảm thấy rất háo hức vì được trải nghiệm một cái gì đó mới lạ. Mình không thể đợi bắt đầu.

Mình sẽ kể tiếp ở bài tiếp theo.


Bài 2: “Luật” rừng

Hôm qua mình có kể cho bạn nghe cái duyên ngẫu nhiên mình biết tới thiền Vipassana 8 năm trước cũng như hành trình ngắn đi từ Vienna tới vùng núi xa xôi bờ Tây nước Áo để tham dự khoá thiền 10 ngày đầu tiên của mình.

Một trong những điều mình đã muốn làm từ rất rất lâu rồi là ngồi xuống viết và kể lại trải nghiệm của chuyến học thiền đầu tiên đó. Giờ ngồi viết những dòng này tự thấy mình quá ngốc vì đã để quá lâu, làm cho những kỉ niệm và kí ức cũng mài mòn theo thời gian.

Nếu bây giờ bảo mình kể lại chi tiết và chính xác từng ngày một của chuyến thiền đó thì chắc khó, và chắc sẽ phải hư cấu một vài chi tiết để mạch truyện mượt hơn, nhưng mình có thể chắc chắn là mình không hư cấu những thứ không nên hư cấu, ví dụ như là “luật” của Vipassana hay câu chuyện mình bị “đè”.

Đầu tiên mình nói về luật đi nhé.

Buổi chiều tối hôm đó, ngày mình di chuyển gần 12 tiếng từ Vienna đến vùng núi xa xôi bờ tây nước Áo. Mình đến khu thiền và cảm thấy thật fresh (tươi mới) vì khu thiền nằm giữa một cánh rừng nhỏ, rất nhiều cây cao.

Sau khi đã checkin với ban quản lý khoá thiền, mình và các anh chị, cô chú dùng trà và trái cây nhẹ. Sau đó tất cả mọi người được phổ cập những quy định của khoá Thiền.

Một số quy định tiêu biểu như:

  1. Không giao tiếp (ngay cả nhìn nhau), nói chuyện với bất kỳ ai trong suốt khoá thiền, trừ hộ thiền (người hỗ trợ) và thầy giáo.
  2. Không sử dụng điện thoại, máy tính, không đọc sách và viết. Mọi thứ sẽ chỉ xung quanh việc thực hành thiền, ăn uống và nghỉ ngơi.
  3. Không tập luyện thể thao, yoga hay các hoạt động tay chân (cái này mình sẽ nói rõ hơn lý do tại sao vì nhiều bạn có thể sẽ thắc mắc)
  4. Tất cả thiền sinh phải ở đến cuối khoá thiền (phải trừ những trường hợp cực kỳ cực kỳ đặc biệt mới được về giữa chừng)
  5. Và còn rất nhiều quy định khác với mục đích cuối cùng là giúp tập trung hoàn toàn vào việc luyện tập thiền, không làm ảnh hưởng những người xung quanh.

Lần đầu nghe những quy định này, một số cái mình cũng không tưởng tượng được trong 10 ngày nó sẽ như thế nào, ví dụ như không sử dụng điện thoại hay không được đọc sách và viết. Mình tưởng là retreat thì ít nhất cũng phải được đọc sách hay viết để chiêm nghiệm!

Tuy nhiên, mình thấy mọi người xung quanh cũng tỏ ra khá bình thản với những quy định này nên mình nghĩ chắc sẽ không sao.

Và thế là ngay sau khi giờ thiền đầu tiên nhẹ nhàng của buổi tối hôm đó cùng với mantra của thầy Goenka, các quy định bắt đầu có hiệu lực, và mình thật sự vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vừa háo hức không biết 10 ngày tiếp theo sẽ như thế nào.

Hẹn bạn ở bài tiếp theo.


Bài 3: Khó ngủ

Hai ngày qua, mình khá bất ngờ khi nhận nhiều feedback tích cực và mong chờ của series về khoá thiền Vipassana 10 ngày. Nó làm mình có một cảm giác “nhớ” khoá học quá. Đã quá lâu rồi mình không đi lại, lần cuối mình đi cũng đã là tháng 2, 2019. Chà cũng 4 năm rồi (Hèn gì, mấy năm rồi, tính nết khó ở và xấu tính ghê…)

Vì nhận được phản hồi hết sức tích cực nên mình cũng sẽ móc hết tâm gan và trí nhớ để cố gắng lục lại hết tất cả kí ức mình còn sót lại.

St. Arbogast, tầm 25/12/2015,

Sau khi được phổ cập những quy định và nội quy của khoá thiền, mọi người đều về phòng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho sáng ngày hôm sau bắt đầu ngày 1 của khoá thiền.

Lúc đó là khoảng 9h tối, còn rất sớm so với bình thường mình hay đi ngủ. Thời gian trước khoá thiền 1-2 tháng mình bắt đầu bán hàng online trên mạng nên mình hay cày khá khuya mới ngủ, nên cũng chưa quen lịch sinh hoạt mới này.

Mình ở chung phòng với các thiền sinh nam mới khác ở trong một toà nhà có 3 tầng, mình ở tầng 3. Khu vực nam tách biệt hoàn toàn với khu vực nữ. Trong phòng theo mình nhớ là có khoảng 20 người, và có một phòng tắm, thay đồ chung.

Giường của mình ngay sát cửa sổ sát bên và nhìn khu rừng (theo trí nhớ là rừng thông), mình cảm thấy rất thích vì có “view”, nhưng mấy ngày sau thì không thích lắm. Tại sao thì để phần tiếp theo mình kể nhé.

Giường của mình là giường cỡ queen, rất êm và nệm chăn rất ấm. Thật không thể tin nổi một khoá thiền miễn phí mà được trang bị chỗ ngủ xịn sò như thế này.

Mình rất muốn lấy một cuốn sách hay ghi chú ra để viết nhưng rất tiếc là quy định không cho phép nên mình cũng chỉ lên giường nằm và chờ đợi vào giấc ngủ.

Theo lịch thì 4h sáng chuông sẽ kêu và các thiền sinh sẽ có 30 phút chuẩn bị trước khi giờ thiền đầu tiên bắt đầu vào 4h30 sáng.

Mình háo hức cho ngày đầu tiên quá. Mình nghĩ chuyến retreat này sẽ giúp mình thư giãn và thả lỏng được nhiều thứ do giai đoạn đó mình cũng làm việc stress và căng thẳng. Bữa giờ mình chưa có thời gian thở và chậm lại, nên mình cũng nằm nghĩ ngợi một chút về giai đoạn vừa qua.

Chết thật, đã 11h rồi mà còn chưa ngủ được, không biết sáng mai thế nào. Mình cố gắng tắt những dòng suy nghĩ, nằm thả lỏng hết sức có thể để cố gắng ngủ lấy sức cho ngày mai.

Hẹn bạn tiếp câu chuyện vào ngày mai nhé.

P/s: Bonus cho bạn lịch 1 ngày của khoá thiền:

4:00 amChuông báo thức
4:30-6:30 amThiền trong sảnh chung hoặc trong phòng
6:30-8:00 amĂn sáng nghỉ giải lao
8:00-9:00 amThiền nhóm trong sảnh chung
9:00-11:00 amThiền trong sảnh chung hoặc trong phòng tuỳ theo hướng dẫn của giáo viên
11:00-12:00 noonNghỉ ăn trưa
12 noon-1:00 pmNghỉ ngơi và có thể phỏng vấn với giáo viên
1:00-2:30 pmThiền trong sảnh chung hoặc trong phòng
2:30-3:30 pmThiền nhóm trong sảnh chung
3:30-5:00 pmThiền trong sảnh chung hoặc trong phòng tuỳ theo hướng dẫn của giáo viên
5:00-6:00 pmGiải lao uống trà
6:00-7:00 pmThiền nhóm trong sảnh chung
7:00-8:15 pmGiáo viên đàm thoại và giảng bài
8:15-9:00 pmThiền nhóm trong sảnh chung
9:00-9:30 pmĐặt câu hỏi với giáo viên
9:30 pmVề phòng nghỉ – Tắt đèn

Bài 4: Hiểu nhầm hết sức đáng tiếc

Trước khi tiếp tục kể những câu chuyện chi tiết từng ngày của khoá học thiền Vipassana, có một điều mình muốn chia sẻ.

Nếu như bạn có bao giờ có ý định tham gia thử 1 khoá thiền Vipassana hay nếu như bạn có bạn bè tham gia khoá thiền Vipassana, bạn cần hiểu rất rõ một điều như thế này:

Tất cả mọi người sẽ đều có trải nghiệm, cảm nhận, và cảm giác khác nhau khi tham gia khoá thiền Vipassana.

Có một hiểu nhầm hết sức đáng tiếc từ 3 phía:

Một là nếu bạn chưa tham gia khoá thiền bao giờ và đã nghe rất nhiều điều tốt về khoá thiền, bạn sẽ kỳ vọng nó cũng sẽ mang lại những điều tốt tương tự cho bạn, và chỉ cần bạn tham gia khoá thiền là bạn sẽ đạt được kết quả như những người khác.

Hai là nếu bạn đã tham gia xong khoá thiền và đạt được những điều tốt hoặc những điều không tốt, bạn sẽ nghĩ những người khác cũng trải nghiệm những gì bạn trải nghiệm. Bạn sẽ khuyên nên tham gia hoặc không nên tham gia bởi vì những gì bạn trải nghiệm.

Ba là nếu bạn thấy bạn bè, người thân tham gia hoặc bạn nghe những gì miêu tả về khoá thiền và bạn thấy nó chỉ mang lại cái hại hoặc quá cực đoan, và bạn đánh đồng tất cả những người tham gia khoá thiền hoặc những người tập thiền nói chung.

Tất cả đều có cái lý của họ.

Tuy nhiên, cũng tương tự như việc ăn một món ăn đặc sản, đi du lịch một địa điểm nổi tiếng, hay tập một lớp Yoga có tiếng.

Tất cả mọi người đều có trải nghiệm riêng. Có người thích, có người không. Có người hợp, có người ám ảnh. Có người cảm thấy rất dễ dàng và thoải mái, có người cảm thấy là một cực hình và chả có gì vui.

Chính vì điều này, cái may mắn trời cho mình ngày xưa khi mình tham gia khoá học Thiền Vipassana đầu tiên đó là ngày xưa mình không có kỳ vọng gì nhiều và mình cũng không nghe về trải nghiệm xấu gì nhiều. Cho nên mình tham gia với tâm thế rất thoải mái và như một tờ giấy trắng.

Có lẽ chăng đó cũng là điều tuyệt vời của những đứa trẻ và cuộc sống? Đón nhận mọi thứ bằng sự tò mò và khám phá cho dù nó xấu hay đẹp như thế nào?

Có người trải qua cuộc sống và miêu tả nó là cực hình, là rất kinh khủng, chỉ toàn sự thiếu công bằng, và luôn thiếu thốn.

Có người trải qua cuộc sống và miêu tả nó thật đẹp, hạnh phúc, thật sung sướng, và lúc nào cũng đầy đủ.

Có người miêu tả cuộc sống như hộp socola, bạn sẽ không biết được bạn sẽ bốc trúng vị gì.

Thiên kiến và định kiến sẽ khiến chúng ta có những kỳ vọng cho mình về một vấn đề hay một ai đó trước khi có cơ hội trải nghiệm nó một cách tinh khiết nhất.

Miễn không phải ma tuý, thuốc độc hay những thứ 100% gây ra cái chết và hại mình, hại người, thì tất cả những thứ còn lại dù tốt hay xấu đó vẫn là trải nghiệm cá nhân và bài học của riêng mình trong cuộc sống này.


Bài 5: Tại sao không ai giống bạn?

Mình muốn nói tiếp một chút về bài của ngày hôm qua. Hôm qua mình có nói về mỗi người sẽ có một trải nghiệm và suy nghĩ khác nhau của 1 khoá thiền Vipassana 10 ngày. Tuy nhiên, mình chưa nói rõ lý do tại sao lại có sự trải nghiệm và suy nghĩ khác nhau này.

Để nói sâu hơn về những lý do tại sao thì trong các bài tiếp theo khi mình kể sâu hơn về từng ngày mình cũng sẽ phân tích rõ hơn tại sao mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau.

Tuy nhiên, sau đây là một vài lý do chung mà chắc chắn mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau.

1. Kỳ vọng

Hôm qua mình có nói là mình may mắn không có kỳ vọng gì cả vào khoá thiền này. Nói như vậy cũng không đúng hoàn toàn. Ai chả làm gì mà chả có mục đích hay một chút ít kỳ vọng mình sẽ đạt được một cái gì đó. Chứ không thì chúng ta sẽ ưu tiên cho những việc khác hoặc không tốn thời gian công sức để làm gì. Tuy nhiên lúc mình tham gia khoá thiền đầu tiên, kỳ vọng duy nhất của mình là đây sẽ là một chuyến retreat xả stress. Mà nếu không xả stress thì cũng là một trải nghiệm mới nên mình cảm thấy khá thoải mái. Tuy nhiên sẽ có rất nhiều anh chị và các bạn có những kỳ vọng nhất định phải đạt được, ví dụ như chữa lành một tổn thương, một căn bệnh, hay giải quyết một vấn đề gì đó. Hay mình kỳ vọng mình sẽ đạt được những kết quả tốt như bạn bè, người thân hoặc ai đó miêu tả về khoá thiền. Rồi có người thì kỳ vọng cơ sở vật chất các thứ phải đáp ứng theo yêu cầu hoặc luật lệ không quá khắt khe. Vì mỗi người kỳ vọng khác nhau nên chắc chắn trải nghiệm sẽ khác nhau.

2. Sức khoẻ và thể chất, cơ địa

Mỗi người đến tham gia đều trong trạng thái cơ thể, tâm trí và cơ địa khác nhau. Ngồi thiền gần 10 tiếng một ngày, liên tục trong 10 ngày chắc chắn sẽ tác động mạnh tới sức khoẻ và cơ thể của bạn. Nếu bạn đi lúc không khoẻ hoặc cơ thể không trong trạng thái tốt nhất sẽ khác những bạn đang khoẻ mạnh. Nếu cơ thể bạn cứng khả năng cao bạn cũng sẽ ngồi mệt hơn so với các bạn có cơ thể thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Nhưng đừng lấy đó làm lý do để không tham gia bạn nhé vì nhiều khi đó cũng là lý do bạn cần tham gia, để soi chiếu cơ thể và hiểu hơn về bản thân mình.

3. Trải nghiệm quá khứ

Cái này thì mình sẽ đi sâu hơn trong các bài tiếp theo. Tuy nhiên, vì thiền Vipassana có nghĩa là nhìn mọi thứ theo đúng bản chất của nó, cho nên khi tập Thiền bạn sẽ được rèn luyện cách nhìn và thấy mọi thứ, đặc biệt là những cảm xúc và trải nghiệm quá khứ của mình theo đúng bản chất của nó. Chính vì vậy, sẽ không ai trải nghiệm giống nhau bởi vì những cảm xúc và trải nghiệm quá khứ của mỗi người là khác nhau. Chúng ta cũng sẽ nhìn mọi thứ một cách khác nhau.

4. Bản chất con người

Nếu bạn tin vào chiêm tinh học, thần số học hay các loại test tính cách thì bạn cũng sẽ biết rằng không ai giống ai và mỗi người cảm nhận về mọi thứ khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng trải nghiệm khoá học khác nhau, thay đổi khác nhau sau khoá thiền. Nên việc nghe trải nghiệm hoặc có kỳ vọng nhất định là của riêng mỗi người.

Đó là 4 lý do cơ bản tại sao mỗi người đều có trải nghiệm khác nhau, không ai giống ai.

Nếu được khuyên thì mình sẽ khuyên bạn nếu quyết định tham gia, dù là mới hay đi lại thì luôn giữ một đầu óc như tờ giấy trắng, và sẵn sàng đón nhận sự trải nghiệm, cho dù nó như thế nào.

Hy vọng chia sẻ trên có ích với bạn.


Bài 6: Ngày 1 – Einstein đã đúng

Mình sẽ kể tiếp câu chuyện về chuyến đi học Thiền Vipassana 10 ngày của mình. Hôm bữa mình đã kể xong ngày 0, ngày đến trường thiền, học về các quy định, cũng như về phòng để chuẩn bị cho ngày đầu tiên.

Ngày 1

[Coong….coong…coong…]

3 tiếng chuông gõ vang lên và mình giật mình tỉnh dậy, đầu óc vẫn còn mơ hồ với những câu hỏi: đây là đâu, sao trời tối thế này, ai bật đèn sáng vậy.

Mở mắt tỉnh dậy thì thấy mọi người trong phòng đang lục đục chuẩn bị để bắt đầu ngày đầu tiên của khoá thiền. Mình cũng không rõ đang là mấy giờ nữa vì cũng không có điện thoại để check giờ do đã nộp cho trường. Trời thì siêu lạnh vì đang mùa đông mà còn ở trên núi giữa rừng.

Mình cũng lục đục vội vàng chuẩn bị để bắt đầu. Mình đánh răng, thay đồ, mặc áo khoác và đi xuống dưới để di chuyển đến sảnh thiền.

Lúc mình vào thì gần như tất cả mọi người đều đã vào ngồi thiền. Trời vẫn còn tối, đèn vàng được bật sáng vừa đủ. Mình ngồi ở hàng gần cuối bên phải theo thứ tự đã được phân sẵn. Do là thiền sinh mới nên mình ngồi khu vực nửa cuối. Các thiền sinh cũ sẽ ngồi ở khu vực nửa đầu.

Giờ thiền đầu tiên của ngày đầu tiên bắt đầu từ 4h30 sáng tới 6h30 sáng. Mình từng ngồi thiền 10-20 phút nhưng 2 tiếng thì mình chưa tưởng tượng nó như thế nào, mà lại còn vào cái giờ mà mình thường ngủ lăn quay.

Mình chỉ biết là mình khá buồn ngủ nhưng sự háo hức của ngày đầu tiên nó cũng giúp bù lại để mình có năng lượng để ngồi thiền.

Mình ngồi tư thế bắt chéo chân mình vẫn hay ngồi ở nhà chứ mình cũng không biết ngồi các tư thế hoa sen gì cả vì mình đã học thiền chính quy bao giờ đâu.

Mình bắt đầu ngồi và cố gắng tập trung quan sát hơi thở. Do là buổi sáng đầu tiên nên cũng chưa có hướng dẫn gì nhiều. Mọi người vào ngồi thiền chung với nhau.

Do không có đồng hồ và cũng chả có cách nào biết là bao nhiêu phút để trôi qua, nên trong đầu mình cứ được một lúc thì nghĩ :”Chà, chắc cũng được nửa tiếng rồi”. Những cơn đau và mỏi ở chân và lưng bắt đầu xuất hiện, và mình tự nhủ :”Thôi cố gắng lên, chỉ cần 4 lần 30 phút nữa thôi là hết rồi.”

Mình lại nhắm mắt và cố gắng tập trung tiếp. Mình đổi tư thế ngồi liên tục vì không thể ngồi yên do quá mỏi. Mỗi lần như vậy mở mắt ra lại thấy mọi người ngồi im thin thít đúng một tư thế không di chuyển, mình nghĩ :”Chẳng lẽ không ai như mình sao? Sao chả ai di chuyển hay có vẻ đau mỏi gì nhỉ?”

Mình lại tiếp tục ngồi, ngồi mãi ngồi mãi, thời gian trôi như vô tận, mình đếm chắc phải 20 cái 30 phút rồi mà còn chưa hết 2 tiếng đầu tiên.

Bỗng có tiếng hát vang lên trong loa của sảnh thiền. Không biết là tiếng của ai và đang hát ngôn ngữ gì, nghe giống rên hơn là hát. Mình cũng hoang mang với một đống câu hỏi :”Chả nhẽ bây giờ mới bắt đầu hướng dẫn thiền? Tiếng gì sao chả hiểu? Sao lâu thế nhỉ? Hay là sắp hết?”

Tiếng hát (rên) này nó cứ tiếp diễn mãi tiếp diễn mãi, không biết bao giờ mới hết. Mọi người thì vẫn ngồi thiền bất động, còn mình thì muôn vàn đau khổ từ thể xác cho tới sức chịu đựng.

Tiếng hát (rên) này chắc phải kéo dài 1 tiếng quá, lâu quá trời là lâu.

Bỗng nó dừng lại, có 3 tiếng chuông lại kêu lên.

[Coong….coong…coong…]

Cái người mà hát (rên) hồi nãy nói :”Take rest, take rest” (hãy nghỉ ngơi, nghỉ ngơi). Mọi người bắt đầu lục đục đứng dậy. Lúc đó mình mới biết là đã hết giờ thiền. Đối với mình chắc phải 10 tiếng đã trôi qua, nhưng thời gian thật chỉ là 2 tiếng…

Mình thấy có vẻ cũng chả retreat gì lắm, thấy chỉ đau mỏi và chịu đựng. Mình quá mệt, nhưng cũng đứng dậy đi theo mọi người để đi ăn sáng… Mới có 2 tiếng đầu của 10 ngày mà đã như vậy, không biết tiếp theo sẽ như thế nào.


Bài 7: Phóng lao thì phải theo lao

Hôm qua mình có kể cho bạn nghe 2 tiếng đầu của ngày 1 khoá thiền Vipassana đầu tiên mà mình tham dự. Như bạn thấy đấy, Einstein đã đúng về thuyết tương đối, 2 tiếng ngồi với crush cảm giác như 2 giây, còn 2 tiếng ngồi thiền Vipassana với mình, cảm giác như 20 tiếng.

Chắc có lẽ vậy mà viết kể chuyện 2 tiếng mà cảm giác như có thể viết thành cuốn sách, vì quá nhiều cảm xúc cung bậc diễn ra trong 2 tiếng đó, đó là mình đã quên nhiều sau 8 năm, chứ nếu mới tham gia xong và viết ngay thì chắc còn chi tiết hơn.

Ngày 1 (tiếp theo)

Sau khi hoàn thành 2 tiếng thiền đầu tiên buổi sáng từ 4h30-6h30 sáng, cơ thể mình rã rời. Mình cảm thấy thật may mắn vì nó đã qua và giờ được ăn một chút. Cảm giác cơ thể vừa buồn ngủ, vừa lạnh, vừa đói mà được ăn thì khác gì thấy vàng.

Buổi sáng kiểu buffet cũng đầy đủ các món ăn sáng phổ biến ở bên Châu Âu do lúc đó mình tham dự khoá ở bên Áo. Có các loại yến mạch, cháo, trái cây, bánh mì, mứt, mì xào, trà, và nước lọc. Nói chung là khá thịnh soạn với một khoá thiền miễn phí. Mình cảm thấy thật wow với sự chuẩn bị chu đáo từ ban tổ chức.

Do đã vào ngày 1 của khoá thiền nên mọi người đều phải tôn trọng quy định Noble Silence, tức giữ im lặng hoàn toàn và không giao tiếp với bất kỳ ai, dù là bằng tiếng hay cử chỉ, ánh mắt.

Mọi người đều chọn cho mình một góc để ngồi ăn, không ai giao tiếp với ai. Phòng ăn là một sảnh lớn với tường là những ô cửa sổ cao hình chữ nhật, đón ánh sáng ngập căn phòng.

[May quá, mình tìm được hình của phòng ăn ngày xưa cho bạn xem.]

[Chỉ khác trong hình là các bàn ăn được xếp sát tường và nhìn vào tường hoặc cửa sổ thay vì bàn vây quanh như vậy, vì phải xếp sát tường và nhìn vào tường để không nhìn nhau và hạn chế tiếp xúc với nhau]

Mình cảm thấy đói nên cũng ăn đến khi nào no thì thôi, nhưng mình để ý thấy nhiều người ăn rất nhanh và cũng lui về phòng sớm. Mình chắc là một trong những người ăn lâu nhất.

Giờ ăn và nghỉ ngơi là 6h30 – 8h. Mình thấy được ăn và nghỉ ngơi 1h30 cũng khá nhiều nên cũng từ tốn. Sau khi ăn xong thì mình về phòng để nghỉ ngơi một chút, trước khi tiếp tục vào học thiền từ 8h-11h.

Do ăn cũng khá no nên khi về phòng mình phải nghỉ ngơi một chút rồi mới nằm xuống. Mình cố gắng ngủ một xíu, nhưng chưa kịp ngủ thì tiếng chuông đã kêu. Hình như mình đã tốn hơi nhiều thời gian cho buổi ăn sáng nên cũng không kịp thời gian để nghỉ ngơi.

Mình tự nhủ sẽ rút kinh nghiệm lần sau ăn nhanh hơn một chút để có thời gian nghỉ ngơi và ngủ một chút.

Mình lại lục đục chuẩn bị vào sảnh thiền. Nghĩ đến phải ngồi 3 tiếng tiếp theo mình không biết nó sẽ như thế nào, sau khi trải qua 2 tiếng buổi sáng đầy gian nan.

2 tiếng đầu tiên đã phá vỡ cái suy nghĩ đây là một chuyến retreat xả stress của mình. Một nửa trong đầu mình hy vọng là buổi sáng nay chỉ là một khoảng giờ đặc biệt, và những buổi tiếp theo sẽ nhẹ nhàng hơn. Một nửa trong mình thì cũng hơi lo lắng, không biết những gì sẽ chờ đợi mình tiếp theo…


Bài 8: Thật quá sức chịu đựng

Ngày 1 (tiếp tục)

Sau khi ăn xong bữa ăn sáng, nghỉ ngơi một chút và không kịp ngủ do ăn hơi lâu, mình tiếp tục bước vào giờ thiền tiếp theo. Giờ thiền tiếp theo chia làm 2 session nhỏ, từ 8-9h và từ 9h-11h sáng. Mình cũng không rõ là tại sao lại chia ra 2 session như vậy.

Mọi người ổn định chỗ ngồi theo thứ tự được xếp sẵn trong sảnh thiền. Mình bước vào tâm thế của buổi thiền này, sẵn sàng cho những giờ phút chịu đựng tiếp sau khi trải qua 2 giờ thiền buổi sáng.

Bỗng âm thanh vang lên từ loa của sảnh thiền. Mình nhận ra đó giọng người đàn ông trong buổi thiền sáng nay hát (rên) trong sảnh thiền. Ông ấy bắt đầu hướng dẫn bài tập của ngày hôm nay. Bài tập của ngày hôm nay là quan sát hơi thở. Ông ấy hướng dẫn hãy quan sát hơi thở ở xung quanh vùng mũi, dưới mũi, trong vành mũi hoặc xung quanh cánh mũi. Quan sát hơi thở đi vào và hơi thở đi ra.

Hướng dẫn chỉ có vậy. Và sảnh thiền lại im lặng, bắt đầu giờ thiền. Mình thấy sao hướng dẫn đơn giản quá, cái này mình cũng biết rồi, đơn giản thôi. Quan sát hơi thở này mấy cái ứng dụng mình xài như Headspace cũng chỉ. Mình nghĩ chắc sẽ còn hướng dẫn gì thêm sau đó. Mình bắt đầu nhắm mắt và thực hành theo hướng dẫn.

Thật ra bình thường ngồi tự thiền ở nhà mình ngồi tập trung được chắc vài giây là lại suy nghĩ lung tung, nhiều hôm ngồi thấy khó chịu quá muốn ngồi 10 phút mà ngồi được 2,3 phút là nóng hết cả ruột rồi bỏ ngang.

Còn ở đây, biết là sẽ ngồi 1 tiếng, mình cũng chuẩn bị tinh thần sẽ ngồi cố gắng hết sức có thể, nhưng đúng là nó quá sức chịu đựng của mình. Vẫn như hồi sáng, mình cố gắng tập trung vào hơi thở, và tự nhủ bản thân là mình ngồi cũng đã lâu lắm rồi. Vậy mà mãi nó chưa hết 1 tiếng.

Mình nghĩ trong đầu mới ngày 1, mới có mấy tiếng đầu mà như thế này thì không biết mình có bỏ ngang giữa chừng không. Những suy nghĩ cứ miên man từ chuyện này sang chuyện khác.

“Coong…. coong … coong”

3 tiếng chuông và tiếng người đàn ông lại vang lên :”Take rest for 5 minutes and then come back” (nghỉ 5 phút và quay trở lại). Mình như được giải thoát. “Phew… thêm được 1 tiếng” – mình thầm nghĩ.

Mọi người lục đục đứng dậy đi vệ sinh và duỗi tay duỗi chân trước khi quay lại sảnh thiền cho 2 tiếng thiền tiếp theo sau đó. Mình thì chưa sẵn sàng tí nào. Mới có 1 tiếng mà đã cảm thấy kinh khủng như vậy thì không biết 2 tiếng tiếp theo nó sẽ như thế nào.

Mình nghĩ về giờ ăn trưa, nghĩ về việc sẽ về ngủ một giấc để lấy động lực tiếp tục. Mình tự nhủ chắc mọi chuyện sẽ ổn thôi.

“Coong…. coong … coong”

3 tiếng chuông lại vai lên và mọi người lại quay vào trong sảnh thiền để tiếp tục. Mình tò mò không biết 2 tiếng thiền tiếp theo sẽ khác gì 1 tiếng vừa rồi. Tại sao lại thiền 1 tiếng, nghỉ 5 phút rồi lại thiền 2 tiếng?


Bài 9: Chán ngấy vì thiền

Ngày 1 (tiếp tục)

Sau khi hoàn thành 1 tiếng thiền từ 8-9h sáng và được nghỉ ngơi 5 phút, mọi người quay trở lại sảnh thiền để thiền tiếp từ 9-11h.

Mình đang thắc mắc lại tại sao lại chia thời gian như vậy.

Buổi thiền vẫn bắt đầu với hướng dẫn thiền tương tự như 1 tiếng trước đó, vẫn là tập quan sát và định hình hơi thở. Mình vẫn chưa rõ tại sao lần này lại thiền liên tục 2 tiếng. Mình bước vào buổi thiền này với tâm thế nó sẽ khó khăn như buổi thiền sáng sớm nay từ 4h30-6h30.

Và nó đúng là như vậy. Mình chỉ quyết tâm được khoảng 10 phút đầu, còn nguyên khoản thời gian còn lại mình không thể nào ngồi yên hoặc tập trung được quá lâu. Cơ thể và chân mình quá mỏi. Sáng nay dậy quá sớm khiến mình cũng bắt đầu thấm mệt.

Mình đếm từng phút một để đến giờ ăn trưa. Mình chỉ nghĩ đến được ăn và sẽ nằm ngủ một giấc.

Sau “ngàn năm” chịu đựng thì 3 tiếng chuông “coong…cooong…cooong” cuối cùng cũng vang lên và cái âm thanh của người đàn ông kia lại phát ra từ loa trong sảnh thiền :”Take rest, take rest”. Sáng nay mình ghét ông ấy bao nhiêu vì hát (rên) quá lâu còn bây giờ mình thấy 2 tiếng “take rest” của ông ấy như vị cứu sinh.

Mọi người lần lượt đứng lên để đi xuống sảnh ăn. Sảnh thiền thì nằm ở lầu 1 của toà nhà còn sảnh ăn thì nằm ở lầu trệt.

Bữa trưa vẫn là buffet các món đầy đủ, và mình ăn ngấu nghiến để lấy lại sức. Mặc dù chỉ là ngồi một chỗ thiền mà mình có cảm giác mình vừa đi “chinh chiến” tốn rất nhiều năng lượng.

Lần này rút kinh nghiệm, mình vẫn ham ăn như sáng nhưng ăn nhanh hơn một chút để về kịp nằm ngủ.

Mình kịp nằm ngủ một giấc trước khi 3 tiếng chuông lại vang lên bởi ông chú hộ thiền (người hỗ trợ khoá thiền). “Coong … Coong .. Coong”

Mình thật sự là quá nhức mỏi toàn thân và chân và cảm thấy lười không muốn đi xuống thiền nhưng cố gắng lết dậy vì mọi người cũng đều đã đi.

Buổi chiều còn ác liệt hơn buổi sáng. Nó không phải là 3 tiếng mà 4 tiếng liên tục từ 1h – 5h chiều, chia làm 3 session, 1h-2h30, 2h30-3h30 và 3h30-5h.

Mình nhìn cái lịch mà muốn trầm cảm.

Buổi chiều của mình còn tệ hơn buổi sáng. Có vẻ như năng lượng buổi chiều không còn nhiều như buổi sáng và hơn nữa, mình cảm thấy chả có gì mới so với buổi sáng, vẫn chỉ là tập quan sát và định hình hơi thở.

Đã không phải là chuyến retreat, chí ít cũng phải thay đổi nội dung hướng dẫn sao cho nó thú vị chứ nhỉ?! Còn đây, từ sáng tới chiều chỉ là quan sát và định hình hơi thở mà ngồi thì đau nhức mỏi và chỉ chịu đựng đợi hết giờ.

Mình chỉ đếm từng phút để lại đến giờ nghỉ ngơi, và đếm từng tiếng để hết ngày 1.

Mình để ý trong lịch buổi tối có nghe discourse từ 7h-8h15. Mình cũng chả biết discourse là cái gì, nhưng có vẻ như là sẽ không phải ngồi thiền trong thời gian này. Mình hy vọng là vậy vì mình chán ngấy ngồi thiền rồi.


Bài 10: Khó chịu và không thoải mái

Ngày 1 (tiếp tục)

Sau khi hoàn thành 4 tiếng thiền buổi chiều từ 1h-5h, mình được nghỉ tea break 1 tiếng (uống trà) và có trái cây nếu ai muốn ăn thêm từ 5h-6h. Sau đó thì mọi người quay lại sảnh thiền để thiền tiếp từ 6-7h tối trước khi đi qua một sảnh khác để nghe discourse.

Mình khá tò mò discourse là gì. Cũng giống như lúc thiền, nam ngồi một khu vực và nữ ngồi một khu vực riêng, lúc nghe discourse, các anh nam đi vào trong một căn phòng riêng, có một cái máy chiếu được đặt sẵn. Mình cũng không nhớ rõ là tivi hay là máy chiếu.

Ngày đầu tiên có một vài trục trặc nhỏ kỹ thuật nên cũng mất 10-15 phút mới bắt đầu discourse. Một người đàn ông xuất hiện trên màn ảnh, ông nhìn giống người Ấn Độ, tóc bạc, người hơi béo một tí. Có một cụ bà ngồi bên cạnh.

Ông ấy bắt đầu nói. Mình nhận ra đây là tiếng của ông mà hát (rên) và hướng dẫn thiền cả ngày hôm nay. Sau khoá học mình mới biết ông ấy là thầy Goenka.

Thầy bắt đầu nói về ngày đầu tiên là ngày của những sự không thoải mái và khó chịu và giải thích về tại sao lại có sự không thoải mái và khó chịu này.

Thầy nói về lý do tại sao ngày đầu chỉ quan sát hơi thở và định hình hơi thở thôi. Tại sao lại chọn hơi thở. Ông cũng giới thiệu về Vipassana và phương pháp của Vipassana. Ông cũng nhắc lại một vài lưu ý để việc học và luyện tập thiền hiệu quả nhất có thể.

Có rất nhiều bài học hay đan xen cùng lý thuyết để mọi người cảm nhận dễ hơn.

Thật sự thì bây giờ nhớ là mình cũng không nhớ thầy nói gì theo ngày đâu, mình phải lên kiếm lại nội dung để chia sẻ lại với bạn.

Nghe thầy chia sẻ xong mình cũng có thêm chút niềm tin và hy vọng về những ngày tiếp theo. Mình hiểu hơn là những đau nhức và khó khăn của ngày một là điều tất cả mọi người đều bị chứ không phải chỉ có mình mình. Chỉ có điều vì mình không được nói chuyện và chia sẻ với ai nên mình cứ nghĩ chỉ mình mình bị.

Mình cũng hiểu hơn lý do tại sao hơi thở được chọn để quan sát chứ không phải niệm chú hay những phương pháp khác.

Sau buổi nghe discourse, mọi người quay về sảnh thiền để thiền thêm tiếp khoảng 1 tiếng hơn rồi sau đó mọi người về phòng ngủ để chuẩn bị cho ngày 2.

Mình vừa nhức mỏi nhưng cũng hy vọng rằng ngày 2 sẽ tốt đẹp hơn ngày 1.

[Sẽ còn tiếp… Hẹn bạn bài tiếp theo]


Bài 11: Bị đè quá nặng

Ngày 2,3, và 4

Sau khi nghe discourse (pháp thoại) của thầy Goenka ở ngày 1, mình có chút hy vọng hơn để tiếp tục những ngày tiếp theo.

Thật sự là khi hết ngày 1, mình nghĩ đến việc còn đến 9 ngày, mình cảm thấy lo lắng kinh khủng. Trước khi bắt đầu khoá mình cảm thấy tinh thần rất thoải mái, nhưng bây giờ thì mình thấy rất lo lắng.

Và đúng là nỗi lo ăn chết hy vọng của mình trong ngày 2,3,4.

Trong 3 ngày tiếp theo vẫn chỉ là những đau nhức mỏi khắp cơ thể, từng phút đếm trong đầu bao giờ sẽ hết thiền, và vẫn chỉ là quan sát và xác định hơi thở.

Mình không thể ngồi yên quá 3-5 phút, mà bạn hãy tưởng tượng là 11 tiếng mỗi ngày, tức 33 tiếng, 2000 phút, chia cho 3-5 phút mỗi lần tức là mình trải qua 400 lần, 130 lần/ngày chịu đựng về cả thể xác và tâm lý, thay đổi tư thế liên tục.

Đã vậy, mỗi đêm, mình đều bóng đè và nói mớ rất nặng. Mà cũng không phải bóng đè nữa. Bóng đè thì chỉ nằm đơ một chỗ và nhìn thấy mọi thứ xung quanh nhưng không cử động được. Còn ở đây, ở đêm thứ 2 hay thứ 3 gì đó, mình bị cảm giác như ai đó trùm chăn lên mặt và đè mình xuống, mình phải chống trả liên tục để có thể thở và cầu cứu. Mình bừng tỉnh dậy giữa đêm giữa tiếng im lặng đến đáng sợ. Mình thấy xấu hổ kinh khủng vì mình biết là mình vừa nói mớ mặc dù mình không tự nghe mình được.

Mà như mình kể với bạn rồi đấy, mình lại còn nằm sát cái cửa sổ ngay bên cạnh là khu rừng thông. Cái cảm giác gặp ác mộng như vậy mà lại còn nằm cạnh cửa sổ nhìn ra khu rừng, nó lại đáng sợ nhân 10 lên.

Mà không chỉ mình mình nói mớ, gần như cả căn phòng ai cũng vậy. Mình không hiểu tại sao lại như vậy. Thật đáng sợ.

3 ngày này thật kinh khủng với mình.

Ở giữa những giờ nghỉ giải lao ngắn giữa các buổi thiền, mình luôn cố gắng nằm ngủ để quên đi cái mệt và sự đau nhức.

Và khi có tiếng chuông vang lên kêu mọi người xuống tiếp tục thiền, mình vẫn nằm ì trên giường ngủ đến mức hộ thiền (người hỗ trợ khoá thiền) lên kêu mình xuống, nhưng mình như một đứa bé ghét đi học. Mình năn nỉ cho mình nghỉ một buổi vì mình quá mệt và đau. Nhưng ông chú hộ thiền không cho và bảo mình xuống thiền với mọi người.

Mình lại tiếp tục phải lết xuống thiền.

Có lẽ, điểm sáng nhất của 3 ngày này là những bữa ăn. Mình ăn rất nhiều và luôn là người ngồi lại cuối cùng trong bữa ăn.

Đã có rất nhiều lúc mình muốn xin về, xin ngưng lại, xin bỏ khoá thiền vì nó quá sức chịu đựng của mình. Chắc chỉ có mấy buổi nghe discourse (pháp thoại) buổi tối của thầy Goenka miêu tả tâm lý và giải thích ý nghĩa mỗi ngày mới có thể giúp mình có thêm một chút hy vọng cho ngày tiếp theo.

Phải đến buổi chiều ngày thứ 4, khoá thiền mới bắt đầu bước sang một cái gì đó mới.

Mình sẽ kể bạn tiếp ở bài tiếp theo.


Bài 12: Thà như không biết sự tồn tại của nó

Sau khi kết thúc 3 ngày đầu của khoá thiền, đến ngày thứ 4 mới có một cái gì đó mới để giúp mình tiếp tục nhìn về phía trước để hoàn thành nốt khoá thiền. Ba ngày đầu tiên đã trải qua quá kinh khủng với mình.

Buổi sáng ngày thứ 4 mọi thứ vẫn diễn ra như những ngày trước. Tuy nhiên, đến tầm chiều, thầy Goenka bắt đầu hướng dẫn kỹ năng mới đó là thiền quán. Còn 3 ngày đầu là mình tập trung vào thiền định.

Hôm nay mình tập quán những cảm giác ở xung quanh vùng mũi và đỉnh đầu. Trong 3 ngày đầu chỉ tập trung vào xác định sự chạm của hơi thở trên vùng da và giữ được sự tập trung trên hơi thở. Còn hôm nay, mình còn quan sát thêm những cảm giác nóng, lạnh, khô, uớt, hay bất kỳ cảm giác nào khác đang xuất hiện ở xung quanh khu vực vùng mũi và đỉnh đầu.

Mình cảm thấy lo lắng vì mỗi việc giữ tập trung trên hơi thở còn chưa làm được thì làm sao mình có thể làm những thứ mới. Mình có cảm giác như mình là học sinh bị ở lại lớp. Mình nhớ lại hồi cấp 2 khi phải học toán, hay cấp 3 khi phải học lý và hoá. Mình bị ám ảnh cảm giác sợ thua bạn bè.

Tuy nhiên, ít ra là thầy đã hướng dẫn một cái gì đó mới khiến mình cảm thấy muốn chinh phục, chứ mình đã chán ngấy phải quan sát và định hình hơi thở rồi.

Hôm nay cũng là ngày mình bắt đầu vào Thiền Vipassana, còn 3 ngày đầu chỉ là tập luyện thiền định và rèn giũa đạo đức.

Cũng như 3 ngày đầu, trong 3 ngày tiếp theo (4,5,6) mình tập trung hoàn toàn vào thiền quán, 11 tiếng mỗi ngày.

Cái điều “tuyệt vời” (trong đau đớn) của 3 ngày 4,5,6 đó là mình biết mình đang đau ở đâu và mình nhìn nó, còn 3 ngày đầu (1,2,3), mình chỉ cảm thấy khó chịu và phải đổi tư thế ngồi liên tục. Tuy nhiên, nói thật với bạn là nó còn đau đớn hơn 3 ngày đầu nhiều hơn gấp mấy lần.

Bởi vì thà như mình không biết sự tồn tại của nó, không nhìn vào nó, không cảm nó, thì mình cũng chả để ý làm gì, mình cứ đổi tư thế thôi. Còn ở đây, mình đã đau mà mình còn tập trung vào nó, nó nhân cái đau lên gấp chục lần.

Lúc mới đầu thì mình tập quán cơ thể từ trên xuống dưới, sang ngày tiếp theo thì mình tập quán cả từ dưới lên trên, và cứ lặp lại như vậy.

Mình đã có thể ngồi lâu hơn một xíu, khoảng 15-20 phút mà không đổi tư thế. Có lẽ vì do phải cố gắng quán cho xong 1 chiều từ trên xuống dưới và dưới lên trên nên mình cố gắng chịu đựng lâu nhất có thể.

Và cũng như 3 ngày đầu, mình đếm từng ngày để hết khoá thiền. Còn 6 ngày, còn 5 ngày nữa thôi, cố lên còn 4 ngày nữa thôi… Mình tự nói với bản thân liên tục.

Thật sự là mình muốn được giải thoát khỏi “địa ngục” này. Quá nhiều đau đớn và chịu đựng, và chả có gì là thú vị cả. Mọi thứ lặp đi lặp lại. Không có gì để giải trí.

“Cố lên nào…”

Mình không biết rằng, mình chuẩn bị bước sang ngày thay đổi thế giới quan của mình hoàn toàn. Ngày thứ 7.


Bài 13: Chả mang lại lợi ích gì

Hôm trước mình có kể cho bạn nghe về ngày 4, 5 và 6 của mình ở khoá Thiền Vipassana mình đang tham gia. Trước khi kể cho bạn nghe về ngày thứ 7, có một điều mình cần kể cho bạn nghe trước.

Trong 3 ngày này, có một khái niệm mà mình nghe nói đi nói lại rất nhiều trong các giờ hướng dẫn Thiền cũng như trong giờ nghe discourse của thầy Goenka. Đó là equanimity.

Thật sự mà nói thì mình không hài lòng với bất kỳ từ tiếng việt dịch sang từ equanimity. An nhiên, bình thản, trầm tĩnh, thư thái…

Với mình equanimity dường như bao hàm mọi thứ trong cuộc sống, nó là sự cân bằng, luôn biến đổi nhưng sẽ luôn trở về trạng thái ban đầu. Sau tiếng ồn mọi thứ sẽ trở về yên tĩnh. Sau khi gió khiến mặt hồ chuyển động, nó sẽ trở về tĩnh lặng. Và cả ngược lại. Sau khi đã yên tĩnh thì nó sẽ ồn ào, và khi tĩnh lặng, nó sẽ chuyển động.

Trong 3 ngày 4, 5 và 6, mình bắt đầu luyện tập quan sát những cảm giác (sensations) trên cơ thể, mà ở đây là những cảm giác lớn, dễ thấy như đau, nóng, lạnh, khô, ướt, nhức, mỏi, dễ chịu…

Và khi quan sát những cảm giác này, thầy Goenka liên tục nói về equanimity, tập quan sát tính equanimity với những cảm giác này. Thầy bảo quan sát những cảm giác này, ta sẽ hiểu được bản chất equanimity của mọi thứ trong cuộc sống, rằng mọi thứ sẽ luôn biến đổi, những cảm giác của bây giờ chưa chắc sẽ giống lúc sau, hôm trước chưa chắc giống hôm sau.

Cũng như mình đã kể cho bạn nghe về ngày 4, 5, và 6 của mình, mình nói thật là nó chỉ có một cảm giác đau và đau thôi, không có cái gì biến đổi và thay đổi cả. Vẫn chỉ là đau nhức tận cùng và chịu đựng. Đau nhất là đầu gối. Nó đau kinh khủng mà nhiều khi đứng không nổi. Như kiểu có cái gì đó tắc nghẽn và dồn cục ở cái đầu gối của mình.

Mà bạn biết đó, đau thể chất nó lây lan đến đau tinh thần và đầu óc vì dẫn truyền thần kinh mà. Nên là đau đầu gối bao nhiêu thì mình cũng đau tinh thần bấy nhiêu.

Mình bắt đầu cảm thấy khóa thiền này chả mang lại lợi ích gì cho mình ngoài đau đớn và chịu đựng. Mình bắt đầu nghĩ cái này chỉ là lý thuyết thôi chứ đau thế này thì equanimity cái nỗi gì. Mình thấy ngán ngẩm việc ông thầy Goenka này cứ nói đi nói lại equanimity mà mình chả cảm nhận được gì dù cho mình đã cố gắng rất nhiều.

Mình cố gắng ngồi lâu hơn, quan sát cơ thể kỹ càng hơn, cố gắng qua từng giờ thiền để lết về đích hết 10 ngày.

Những giờ discourse không còn cứu vãn mình nữa như 3 ngày đầu tiên. Bây giờ mỗi khi ngồi nghe discourse, mình cảm thấy ức chế vì ông thầy Goenka cứ nói rất nhiều điều về equanimity và nó liên quan tới cuộc sống như thế nào nhưng mình thì chỉ thấy đau, đau, và đau thôi!

Mình có cảm giác sắp chạm tới giới hạn chịu đựng của mình rồi… Mình nghĩ :”Thêm 1 ngày nữa mà vẫn đau như thế này chắc xin về sớm.”

[Sẽ còn nữa…hẹn gặp bạn ở bài tiếp theo]


Bài 14: Sững sờ không tin được

Mình bước vào ngày thứ 7 của khoá thiền với tâm trạng y hệt như những ngày trước, vẫn mù mờ về lợi ích của khoá thiền này và chìm ngập trong đau nhức cơ thể, đặc biệt là hai đầu gối của mình. Mình có cảm giác 2 cái đầu gối nó sắp rụng ra đến nơi. Bây giờ cứ chỉ ngồi xuống khoanh chân thôi là đau 2 đầu gối chứ chưa nói đến ngồi lâu.

Buổi sáng hôm nay có một yêu cầu mới từ thầy Goenka so với những ngày trước. Thầy yêu cầu tất cả mọi người ngồi một tư thế lâu nhất có thể, không đổi tư thế và không di chuyển.

“Trời ơi, chết tôi mất!” – mình muốn phát điên trong đầu.

Ngồi thôi đã đau rồi, giờ còn bị “bắt” ngồi một tư thế lâu nhất có thể. Chắc mình sẽ chết mất.

Mình quyết định không ngồi khoanh chân nữa, vì mình biết nếu mình ngồi khoanh chân mình sẽ phải cắt đi hai cái chân của mình sau khi ngồi xong. Mình đổi sang tư thế ngồi trên cẳng chân và kê gối kẹp giữa cẳng chân và đùi giống một số thiền sinh khác. Mình thấy họ ngồi tư thế này mấy ngày trước và có bắt chước. Nó vẫn đau nhưng đỡ hơn một chút so với ngồi khoanh chân.

Mình sẵn sàng tinh thần cho 1 tiếng thiền buổi sáng (8-9h) sau khi thầy Goenka kết thúc hướng dẫn. Mình tự nhủ trong đầu sẽ cố gắng hết sức có thể nhưng nói thật là hy vọng cũng ít lắm.

Tất cả mọi người vẫn làm thiền quán như bình thường, quán cảm giác trên cơ thể từ trên xuống dưới từ dưới lên trên. Và phải giữ một tư thế càng lâu càng tốt.

Mình cố gắng ngồi lâu nhất có thể, cố gắng tập trung quán cơ thể vào không tập trung vào cái đau nữa.

Khoảng 10-15 phút trôi qua, đầu gối mình bắt đầu nhức lên. Mình biết 10-15 phút vì 1 lần quán từ trên xuống dưới của mình sẽ thường xung quanh tầm đó. Vì có mấy tiếng ngồi quán cứ khoảng 4,5 lần quán thì hết 1 tiếng nên mình nhẩm thời gian tốt hơn.

Mình cố gắng ngồi tiếp và không thay đổi tư thế. Đến 20-25 phút thì đầu gối mình bắt đầu đau lắm rồi, nhưng mình vẫn cố gắng chịu đựng. Cái bản tính lì và hơn thua của mình đôi khi lại có ích. Bây giờ mình không muốn thất bại cái thử thách giữ một tư thế càng lâu càng tốt này.

Đến một lúc mình đã hết mức chịu đựng vì quá đau rồi, nhưng mình biết đây là lần mình ngồi lâu nhất từ trước đến giờ mà không đổi tư thế vì mình quán cũng được 3,4 lần. Mình nghĩ chắc sắp hết một tiếng. Mình phải rời chân ra vì cơn đau đã quá lớn. Mình phải mất chắc phải 2,3 phút để thoát ra khỏi cái tư thế ngồi thiền vì không còn cảm nhận được chân mình nữa.

Sau đó, mình lại cố gắng ngồi lại, nhưng ngồi được khoảng 2,3 phút thì chuông kêu. Một tiếng thiền đã hết.

Mình sững sờ và không tin là mình đã ngồi một tư thế lâu đến vậy. Chắc phải ít nhất 50 phút ngồi liên tục.

Từ những ngày đầu cho tới ngày thứ 6 mình chỉ ngồi được 5 phút, 10 phút, 15 phút là mình đã phải đổi tư thế thì bây giờ mình đã ngồi được 50 phút.

Mình không thể tin được.

Nhưng mà chân mình đau quá.

Mình phải tranh thủ nghỉ ngơi một chút để quay vào thiền tiếp.

Có một cái gì đó mới đã xảy ra…


Bài 15: Cảm giác này là gì thế này?

Sau giờ thiền kỳ diệu buổi sáng từ 8-9h, lần đầu tiên mình cảm thấy một cái gì đó tích cực và lợi ích của khoá thiền này. Lần đầu tiên mình có thể ngồi Thiền liên tục lâu như vậy. Sau giờ Thiền đó, mình tự hỏi, liệu bây giờ mình làm tương tự với tư thế ngồi khoanh chân thì có thể ngồi lâu như vậy không?

Nói thật là mình cũng không có nhiều hy vọng lắm vì không biết miêu tả làm sao cho bạn hiểu mức độ đau đầu gối của mình khi ngồi khoanh chân. Nó như kiểu có ai đó đốt lửa trại ngay cái khớp gối của mình. Nó nóng, đau, nhức phừng phừng ngay cái khớp gối khi mình ngồi. Nên nghĩ tới việc cố gắng ngồi lâu với cái sự đau đó thôi là mình muốn bị điên rồi.

Nhưng có mất gì đâu, cùng lắm thì lại đổi tư thế ngồi thôi. Có điều là, như mình kể hôm trước, sáng ngày 7 thầy Goenka yêu cầu từ hôm nay, mọi người cố gắng ngồi lâu nhất có thể một tư thế và hạn chế đổi tư thế. Mình thấy mọi người thực hiện rất nghiêm túc nên mỗi lần mình đổi chân, tiếng kêu sột soạt mình cũng rất ngại.

Mình bước vào 2 giờ thiền tiếp theo từ 9-11h giờ với tâm thế được ăn hết, ngã về không.

“Let’s do it” (chiến thôi) – mình tự nhẩm trong đầu khi giờ thiền bắt đầu. Mới ngồi khoanh chân thôi là hai cái đầu gối đã kêu âm ỉ rồi.

Nếu như ngồi trên 2 đầu gối sáng nay giúp mình chịu đau được đến phút 20-25 trước khi phải gồng mình lên để chịu đựng thì lần này ngồi khoanh chân, mới chỉ 5 phút thôi là nó đã đau lắm rồi.

Tuy nhiên, mình áp dụng những gì học được về thiền quán trong những ngày qua cũng như kinh nghiệm của giờ đầu tiên buổi sáng. Mình không tập trung vào cái đau nữa, mình tập trung vào việc quán từ trên xuống dưới và lơ cái đau đi nhiều nhất có thể. Tất nhiên là nó vẫn đau ***, nhưng mỗi lần nó nhói lên ở chỗ đầu gối, mình lại hít thở và thả lỏng nhiều hơn và lại cố gắng quay về điểm đang quan sát.

Có những lúc, mình nhăn mặt vì quá đau và muốn khóc tới nơi, nhưng bản thân không cho phép bỏ cuộc. Mình phải làm được.

Quán được khoảng 2 vòng lên xuống, mình đoán lúc đó chắc ngồi cũng được 20-25 phút rồi, mình coi đó cũng là một thành công lớn rồi.

Mình cố gắng ngồi thêm một xíu nữa.

Được một lúc, cái đau ở đầu gối nó không còn bị nhói nữa mà nó nhẹ đi sang cảm giác nhức thôi. Mình vẫn quán từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.

Được một lúc nữa thì có một điều gì đó kỳ lạ xảy ra.

Ngay cái chỗ đầu gối đang đau của mình, một điều kỳ lạ xảy ra. Cái khối đau ở đó toả ra một nguồn năng lượng cực lớn, có cảm giác như một vụ nổ, một đường ống bị tắc nghẽn ở đó bị phá vỡ.

Trong vài giây, tất cả cục đau đó tan vỡ thành hàng tỷ mảnh và có một luồng năng lượng chạy thông khắp cơ thể từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu.

Mình như có cảm giác bay lên không trung, nhẹ như lông hồng. Không một cơn đau, tất cả nhẹ bâng. Một cảm giác hạnh phúc ngập tràn cơ thể và tâm trí mình.

“Cảm giác này là gì thế này?!? Omg… thật kỳ diệu…” – mình không hiểu chuyện gì đang xảy ra…

Mình ngồi đó, chìm ngập trong cái cảm giác diệu kỳ này.

[Sẽ còn tiếp… hẹn bạn ở bài tiếp theo]


Bài 16: Anti-fan

Một số bạn thắc mắc tại sao mình lại miêu tả và kể chi tiết về khoá thiền Vipassana mình tham gia. Nó liên quan tới nhiều vấn đề.

Đầu tiên là mình biết có rất nhiều bạn nghe rất nhiều điều tích cực về khoá thiền này và bạn nghĩ nó chỉ toàn màu hồng, nhưng mình muốn cho bạn cái nhìn tổng quan để bạn đỡ bị “shock” khi tham gia.

Thứ hai mình biết có rất nhiều anti-fan của thiền Vipassana, mà anti-fan thì bạn biết đấy, thường là nghe loáng thoáng, hai là thấy ai đó tham gia về có những biểu hiện hoặc thái độ làm cho họ ghét, ba là chỉ đơn giản là không thích thì ghét.

Mình từng nghe những câu chuyện của bạn bè mình thấy người khác tham gia khoá Thiền Vipassana xong về thay đổi hoàn toàn hoặc có những biểu hiện, thái độ trông chả giống gì một người đi học Thiền về.

Vẫn xấu tính, khó nết, ăn nói cộc lốc nhưng suốt ngày bảo người khác đi học khoá Thiền đi.

Chính vì điều này mà họ ghét những người tham gia khoá thiền này, và tiện thể ghét luôn khoá thiền này.

Vấn đề này thì mình cũng nói ở các bài trước. Đó là điều hết sức bình thường.

Một so sánh dễ hiểu là một người đọc một cuốn sách rất hay, chiêm nghiệm ra nhiều điều hay, mình lấy ví dụ như cuốn “Đắc Nhân Tâm” (vâng, một sản phẩm cũng không kém số lượng anti-fan). Tuy nhiên, họ chả thay đổi gì mấy, có khi còn cư xử kỳ cục, thực dụng hoặc khó chịu hơn cũ, nhưng suốt ngày giới thiệu đọc cuốn sách này đi.

Những người này đang trên con đường thay đổi, nhưng họ vẫn chỉ đang ở bề mặt lý thuyết nhiều hơn.

Với thiền Vipassana, nó phải đến từ thực hành. Mình giả dụ, sẽ có rất nhiều người tham gia khoá thiền chỉ thay đổi ở bề mặt lý thuyết từ các giờ pháp thoại (discourse), và sẽ có nhiều người thay đổi ở bề mặt trải nghiệm thực hành thiền.

Cũng có những người thay đổi nhờ sự kết hợp pháp thoại và thực hành thiền, như mình chẳng hạn. Nhưng có những người ngoài thay đổi về mặt tư duy của pháp thoại, thực hành của thiền, ngoài ra họ còn có nhiều trải nghiệm sống và tính cách của họ cũng đã ổn định sẵn nên họ sẽ phát triển hơn những người khác.

Thật ra, mình cũng không ý định là thuyết phục bạn Vipassana là một khoá thiền hay hoặc bạn nên tham gia. Cái này là do đủ duyên hay không, hoặc nhiều khi nó cũng không phải là cái path (con đường) bạn cần đi.

Chúc bạn nhiều an lành trong cuộc sống.

Chia Sẻ Bài Viết:

Bài viết trên thuộc series các câu chuyện cá nhân Nguyên chia sẻ qua email hàng ngày.

Đăng ký làm hội viên miễn phí để được nhận các câu chuyện mới sớm nhất qua email!

viVietnamese