Gù lưng xảy ra với hầu hết chúng ta hiện nay từ mức độ nhẹ đến nặng. Tình trạng này không chỉ khiến tư thế đứng xấu mà còn làm những hoạt động thường ngày bị hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến gù lưng, đâu là cách chữa trị gù lưng hiệu quả? Hãy theo dõi bài viết này cùng Nguyên để biết rõ hơn nhé!
Gù lưng là gì?
Gù lưng hay còn gọi là lưng tôm (tiếng anh là hunchback hay kyphosis) là hiện tượng lưng trên bị cong quá mức về phía trước. Mọi người đều có một số mức độ cong trong cột sống của mình. Tuy nhiên, một đường cong hơn 45 độ được coi là quá mức bình thường.
Bị gù lưng có chữa được không?
Đây là một câu hỏi được khá nhiều người quan tâm, và câu trả lời là bạn vẫn có thể chữa được gù lưng. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố để quyết định bạn có thể trị dứt điểm lưng gù hay không. Ví dụ như nguyên nhân gây ra gù lưng, mức độ và thời gian phát triển của tình trạng này, và sự hợp tác của bệnh nhân trong việc thực hiện các biện pháp điều trị và thay đổi lối sống.
Nguyên nhân của gù lưng là gì?
Đốt sống tạo nên một cột sống khỏe mạnh như các hình trụ xếp chồng lên nhau trên một cột. Gù lưng xảy ra khi hình dạng của đốt sống bị thay đổi, và những thay đổi đó đến từ cách nguyên nhân sau:
Gãy xương: Các đốt sống bị gãy có thể dẫn đến cong vẹo cột sống. Gãy xương do nén (tình trạng các đốt sống có hiện tượng bị nén ép, hoặc sụp xuống) xảy ra ở xương yếu là phổ biến nhất.
Loãng xương: Xương yếu có thể gây ra cong vẹo cột sống. Loãng xương phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi và những người đã dùng corticosteroid trong thời gian dài.
Thoái hóa và thoát vị đĩa đệm: Đĩa mềm hình tròn đóng vai trò đệm giữa các đốt sống. Theo tình trạng tuổi tác những đĩa đệm này xẹp xuống và co lại, điều này thường làm nặng thêm chứng gù lưng.
Bệnh Scheuermann: Còn được gọi là bệnh gù cột sống Scheuermann. Căn bệnh này thường bắt đầu trong giai đoạn phát triển vượt bậc xảy ra trước tuổi dậy thì.
Ngồi sai tư thế quá lâu: Khi ngồi học tập, làm việc bạn thường thả lỏng cột sống để thoải mái hơn. Nhưng điều đó khiến cột sống phải một áp lực lớn. Trong thời gian dài thì độ cong của cột sống tăng lên và khiến bạn gù lưng.
Di truyền: Gù lưng cũng có thể do tính di truyền chứ không nhất thiết phải xuất phát từ các loại bệnh hay thói quen ngồi xấu.
Những tác hại khi bị gù lưng
Tuy gù lưng không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm. Nhưng không thể phủ nhận rằng gù lưng có nhiều những tác hại, sau đây là một số tác hại điển hình mà nó mang lại:
Chức năng hoạt động hạn chế: Gù cột sống có liên quan đến tình trạng cơ lưng yếu đi. Độ cong của cột sống cũng có thể khiến bạn khó nhìn lên trên hoặc đau khi nằm xuống.
Vấn đề về tiêu hóa: Gù nặng có thể chèn ép đường tiêu hóa, gây ra các vấn đề như trào ngược dạ dày và khó nuốt.
Vấn đề hình ảnh cơ thể: Đặc biệt là thanh thiếu niên có dáng đứng kém thẩm mỹ do lưng cong.
Hô hấp khó khăn: Khi các đốt sống có cấu trúc sai lệch sẽ tạo thành áp lực đè nặng lên các cơ quan xung quanh. Khi đó, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, hụt hơi.
Tinh thần và cảm xúc: Gù lưng sẽ làm cho bạn cảm thấy nhiều cảm xúc tiêu cực như stress, căng thẳng dễ nóng nảy, bực bội, thiếu tự tin, dễ rơi vào buồn bã, trầm cảm và khó chịu với người khác hơn.
Những cách chữa gù lưng hiện nay
Điều trị bệnh gù lưng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản của nó. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến hơn và cách điều trị điển hình:
- Uống thuốc nếu nguyên nhân xuất phát từ loãng xương: Điều cần thiết là phải điều trị tình trạng thoái hóa xương để ngăn ngừa tình trạng gù lưng trở nên tồi tệ hơn.
- Vật lý trị liệu: Phương pháp này có thể giúp xây dựng sức mạnh ở cơ trung tâm và cơ lưng.
- Yoga: Bộ môn này có thể nâng cao nhận thức về cơ thể và xây dựng sức mạnh, tính linh hoạt và phạm vi chuyển động.
- Giảm trọng lượng dư thừa: Khi cơ thể có trọng lượng thấp thì sẽ làm giảm thêm áp lực cho cột sống.
- Đai chống gù lưng: Đây là cách để cố định và điều chỉnh tạo hình của cột sống lại như thường
- Phẫu thuật: Nếu tình trạng gù lưng nghiệm trọng hoặc mang tính chất di truyền thì cần thiết phải phẫu thuật để tránh những biến chứng sau này.
Bài tập chống gù lưng hiệu quả
1. Tư thế Yoga trượt tay trên tường
Hướng dẫn:
- Đầu tiên bạn hãy đứng sát tường. Để dễ dàng hơn cho bạn thì bạn có thể đứng bàn chân cách tường khoảng 1-2 gang tay.
- Sau khi đã đứng sát lưng vào tường. 2 tay của bạn sẽ đưa về sát tường nhiều nhất có thể. Một số bạn mới bắt đầu sẽ không thể đưa tay sát tường được. Điều này là hoàn toàn bình thường, hãy về sát nhất theo khả năng của bạn. Sau đó, chậm rãi bạn sẽ trượt tay lên phía trên và xuống dưới.
- Hãy đưa tay lên xuống 5 lần và lặp lại 3 hiệp.
2. Tư thế Yoga nằm sấp chữ Y
Hướng dẫn:
- Đầu tiên bạn hãy nằm sấp sát đất, 2 tay duỗi về phía trước.
- Hít vào bạn sẽ nhấc đồng thời ngực và 2 tay lên, thở ra bạn sẽ hạ tay xuống.
- Nếu các bạn cảm thấy duỗi tay chữ Y quá khó. Bạn có thể co khuỷu tay lại mô phỏng chữ W, và làm tương tự.
- Với bài tập này, bạn hãy làm 5 lần và lặp lại 3 hiệp.
3. Tư thế Yoga rắn hổ mang
Hướng dẫn:
- Bạn hãy nằm sát đất, chống 2 tay ngang ngực. Hít vào trườn ngực về phía trước, nâng ngực lên trên, tạo một đường cong hướng lên phía trên.
- Bạn hãy giữ ở đây 5s hoặc 3 nhịp thở sâu.
Nguyên hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích đối với bạn và giúp bạn cải thiện được tình trạng gù lưng của mình hiệu quả. Hãy theo dõi và đón chờ cùng Nguyên những bài viết về sức khỏe và Yoga tiếp theo nhé!
Tài liệu tham khảo
Do you have a hunchback? Practice these exercises regularly to reverse it