Chấn thương dây chằng đầu gối là một tình trạng xảy ra phổ biến không chỉ đối người chơi thể thao mà những người hoạt động bình thường cũng hoàn toàn có khả năng bị tổn thương dây chằng. Để tìm hiểu nguyên nhân và những cách điều trị, phòng ngừa thì hãy theo dõi bài viết bên dưới cùng Nguyên nhé!
Tổn thương dây chằng là gì?
Dây chằng là một dải mô liên kết dạng sợi dẻo, dai nối hai xương hoặc sụn hoặc giữ khớp với nhau. Khi căng quá mức, dây chằng có thể bị rách.
Một trong những khớp thường bị ảnh hưởng nhất do rách dây chằng là đầu gối. Và có ba loại dây chằng xung quanh đầu gối có thể bị tổn thương:
Dây chằng chéo trước là một trong những dây chằng ổn định chính ở đầu gối. Nó có cấu trúc giống như sợi dây chắc chắn nằm ở trung tâm của đầu gối, chạy từ xương đùi đến xương chày. Khi dây chằng này không may bị tổn thương hay rách thì nó sẽ khó lành và thường dẫn đến cảm giác đau nhức ở đầu gối.
Dây chằng chéo sau nằm ở phía sau đầu gối, là một dây chằng khác nối xương đùi với xương chày. Công việc của dây chằng chéo sau là giữ cho xương chày không di chuyển về phía sau quá xa.
Dây chằng bên nằm ở hai bên đầu gối – dây chằng bên trong, nó nối xương đùi với xương chày trong khi dây chằng bên nối xương đùi với xương mác. Những dây chằng này kiểm soát chuyển động sang một bên của khớp gối.
Nguyên nhân của tổn thương dây chằng
Chấn thương dây chằng có thể do bị vặn xoắn hoặc chịu một áp lực quá lớn và đột ngột. Nhất khi dây chằng xung quanh khớp bị kéo căng hoàn toàn, khiến chúng bị tổn thương hoặc tách ra khỏi xương.
Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất trong khi chơi thể thao sử dụng các khớp ở chân nhiều, đặc biệt là những bộ môn đổi hướng đột ngột, giảm tốc độ khi chạy như bóng đá, chạy bộ, leo núi.
Chấn thương dây chằng cũng có thể xảy ra khi tập Yoga ép dẻo quá mức, không đúng cách khiến dây chằng bị rách hoặc căng quá mức. Bên cạnh đó trong một số trường hợp như tiếp đất từ một cú nhảy không chính xác. Hoặc một cú đánh trực tiếp vào bên đầu gối của bạn cũng dẫn đến chấn thương dây chằng.
Cách chẩn đoán khi bị tổn thương dây chằng
Sau khi gặp tai nạn chấn thương mà bạn bị sưng, tấy hoặc đau nhức dữ dội thì đó cũng có thể là triệu chứng của tổn thương dây chằng. Để được chẩn đoán chính xác hãy đến cơ sở y tế kiểm tra thể chất đầu gối và các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang (để loại trừ gãy xương), chụp cộng hưởng từ và nội soi khớp.
Những cách cải thiện tổn thương dây chằng hiệu quả
Các phương pháp điều trị tổn thương dây chằng không phẫu thuật có thể bao gồm các bài tập đặc biệt, thuốc chống viêm và phương pháp RICE.
Rest – nghỉ ngơi
Sau khi chấn thương dây chằng thì việc đầu tiên nên làm là nghỉ ngơi. Và tránh sự vận động nhiều, vì điều đó sẽ làm cho vùng chấn thương nặng và đau hơn.
Ice – chườm lạnh
Nếu bị giãn dây chằng quá mức dẫn đến tổn thương dây chằng. Thì chườm đá lạnh sẽ giúp cho dây chằng trở nên bình thường và bớt sưng hơn. Trong khoảng 48 – 72 giờ sau khi chấn thương, bạn cần chườm đá càng sớm càng tốt. Mỗi lần chườm lạnh nên kéo dài khoảng 15 – 20 phút. Thời gian nghỉ giữa các lần là khoảng 120 – 180 phút. Trong 24 giờ đầu sau khi chấn thương dây chằng, thì cần phải tiến hành thường xuyên, thời gian nghỉ giữa các lần khoảng 30 – 60 phút.
Compression – Băng ép
Hãy dùng băng vải hoặc thun để băng để giữ cố định vùng bị chấn thương. Nhưng tuyệt đối không ép quá chặt vì sẽ khó lưu thông máu.
Elevation – Kê cao vị trí chấn thương
Bạn hãy kê cao chân để vùng chấn thương được thư giãn và máu cũng lưu thông tốt hơn. Nhất là kê khi đi ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi.
Cách chữa trị phẫu thuật: Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, có nhiều lựa chọn phẫu thuật. Phẫu thuật tái tạo là một quy trình thường được thực hiện và thường có thể được thực hiện thông qua nội soi khớp, giảm thiểu vết mổ và tỷ lệ biến chứng.
Nếu không được điều trị, tổn thương dây chằng có thể gây tàn phế nghiêm trọng, dẫn đến đau nhiều hơn và bất động. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào loại chấn thương và con đường điều trị được chọn.
Phòng ngừa tổn thương dây chằng
Chú ý trong khi chơi những môn thể thao đúng cách, không cố quá sức để giảm nguy cơ chấn thương dây chằng. Bên cạnh đó, thường xuyên tập những bộ môn giúp giãn dây chằng chẳng như:
- Các bài tập Yoga ép dẻo.
- Các bài tập tăng cường cơ bắp chân.
- Các bài tập để tăng cường sự dẻo dai cho hông, xương chậu.
- Tập luyện tư thế nhảy và chịu lực của đầu gối khi tiếp đất.
3 động tác Yoga phục hồi chấn thương dây chằng
1. Tư thế Yoga co đầu gối
- Hai chân mở rộng bằng 2 vai.
- Hít vào, co chân phải lên.
- Thở ra, nhẹ nhàng hạ xuống.
- Làm tương tự với bên trái.
- Lập lại 10 lần động tác này (5 lần mỗi bên).
2. Tư thế Yoga nằm sấp nhấc chân
- Nằm sấp sát đất, hai tay có để đan lại (úp mặt xuống). Hoặc để xuôi hai tay bên hông và duỗi thẳng chân.
- Hít vào, nhấc chân phải (không co gối).
- Thở ra, nhẹ nhàng hạ chân xuống.
- Lập lại 10 lần (5 lần mỗi bên).
- Lần cuối giữ lại trong 5 nhịp thở, hít thở đều.
3. Tư thế Yoga cây cầu
- Bạn hãy nằm sát đất, 2 tay xuôi hông và co 2 đầu gối lại.
- Hít vào, siết mông, hãy đẩy hông lên trên, giữ lại một chút, sau đó thở ra nhẹ nhàng hạ hông xuống.
- Tư thế cây cầu sẽ giúp cho cơ mông của bạn chắc khỏe đồng thời giúp cho bạn tập kiểm soát khớp hông của mình tốt hơn, tránh các tình trạng bị võng lưng, đau nhức mỏi lưng.
Nguyên mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng tổn thương dây chằng của mình. Hãy theo dõi và đón chờ cùng Nguyên những bài viết về sức khỏe và Yoga tiếp theo nhé!
Tài liệu tham khảo
Knee Ligament Injuries: Causes, Symptoms & TreatmentLigament Injuries to the Knee – Johns Hopkins Medicine