Mình nghe em họ hỏi người khác: ”Tại sao anh Nguyên lại dạy Yoga khi anh Nguyên giỏi như vậy?” Mình cũng không biết ý em ấy “giỏi” ở đây nghĩa là gì, nhưng mình cũng thầm cám ơn em đã coi mình là một người “giỏi”. Mình thấy câu hỏi rất hay và rất quý em. Nó cũng giúp mình tự hỏi lại bản thân sau ngần ấy năm.
Lý do mình dạy Yoga khi mình “giỏi” như vậy thì mình cũng chia sẻ trong một bài viết vài năm trước đây và trong video vlog trên youtube. Tuy nhiên có thể, nó chưa thoả mãn sự tò mò và câu hỏi của em, cũng như có thể là của một số bạn bè.
Em cũng thắc mắc là “Yoga thì chỉ dạy được đến một số năm nhất định, chứ sau này anh Nguyên mấy chục tuổi thì xương khớp đâu còn tốt để dạy mấy động tác rồi uốn dẻo các thứ.”
Mình thấy thắc mắc này rất hay.
Vậy tại sao mình lại dạy Yoga?
Để trả lời câu hỏi này có lẽ ta phải tách 2 chữ “dạy” và “yoga”, sau đó mình sẽ hợp nhất lại để trả lời câu hỏi.
Yoga là gì? Đầu tiên, Yoga không phải là một bộ môn thể chất các động tác ép dẻo. Yoga là một lối sống, một chuẩn mực đạo đức, một con đường đi đến hạnh phúc cá nhân. Yoga là sự hợp nhất của thân, tâm, và trí. Yoga là một bộ môn triết lý để hiểu hơn về bản thân thông qua sự tập luyện của bản thân và thông qua tương tác với cuộc sống và con người.
Yoga không phải là một môn thể thao hay một nghề nghiệp. It is a way of life. Có nghĩa là một con đường sống, một lối sống và hệ thống niềm tin. Con đường này được được đơn giản hoá qua 8 nhánh của Yoga, bắt đầu từ Yama và Niyama, tức rèn luyện về đạo đức bản thân và cách đối nhân xử thế với con người bên ngoài.
Rèn luyện đạo đức và đối nhân xử thế là một việc cần phải làm mỗi ngày cho tới hơi thở cuối cùng.
Sau đó là tới con đường về rèn luyện tư thế và thể chất (tức Asana mà ta hay hiểu nhầm là Yoga), tiếp đến là hơi thở (Pranayama), về thiền định (Dharana), và khi đã hiểu sâu về bản thân và sự nhận thức về thế giới thông qua thiền định, ta đến với điểm cuối là Samadhi, tức đỉnh điểm của hạnh phúc.
“Ồ, nghe hay nhỉ” là có lẽ phản ứng đầu tiên của mình khi nghe miêu tả như vậy. Đơn giản quá, chỉ cần làm theo từng bước thì sẽ đạt đỉnh điểm hạnh phúc. Nhưng không.
Nếu theo tiêu chuẩn của Yoga thì chỉ sau khi chúng ta hoàn thiện Yama, và Niyama chúng ta mới được phép tập Asana, tức là các động tác “Yoga uốn dẻo” mà ta hay nghĩ đó là Yoga (nhưng thực tế đó không phải là Yoga).
Hiểu vậy để thấy hai sai lầm cơ bản của Yoga hiện đại. Một là tất cả chúng ta còn chưa rèn luyện được một phần bé của Yama và Niyama. Cái cụm từ phổ biến mà ta hay nhắc tới “Tham, sân, si” chính là một phần bé của Yama và Niyama. Môt số anh chị sẽ hiểu rằng chưa hết tham, sân, si thì chưa đi tu được. Cũng như vậy, chưa rèn được Yama, và Niyama thì chưa đủ điều kiện để tập “Yoga” (tức Asana).
Và ai cũng biết để rèn được bản ngã không còn “tham, sân, si” có thể mất cả đời hoặc mấy kiếp, thì để rèn được trọn vẹn Yama và Niyama sẽ mất lâu hơn thế.
Hiểu lầm thứ hai rằng ta nghĩ rèn luyện Yoga tức các động tác “uốn dẻo” để dẻo hơn. Asana, tức nhánh thứ 3 của Yoga, là rèn luyện tư thế và thể chất. Để làm gì? Để chuẩn bị cho các bước tiếp theo khi ta phải ngồi thiền định, hay miêu tả dễ hiểu đó là tư thế ngồi hoa sen ngồi thiền định mà chúng ta thường thấy tượng Đức Phật hay ngồi.
Đúng vậy, tất cả những tư thế ta rèn luyện cuối cùng đều hướng tới một tư thế cuối cùng là tư thế ngồi thiền định. Tuy nhiên, chúng ta lại nghĩ rằng Yoga là các động tác khó và ép dẻo, đảo chổng ngược đủ kiểu.
Tóm lại, đối với mình, Yoga không phải là một bộ môn thể thao uốn dẻo, và cũng không phải là một nghề nghiệp. Nó là một cách sống, một chuẩn mực đạo đức mà bản thân mình đang cố gắng rèn luyện hàng ngày.
Phải có mindset và niềm tin như vậy thì mới đi lâu dài được với Yoga. Và tất nhiên, bản thân phải tự thấy nó giúp chính mình tốt lên thì mới có động lực và niềm tin để đi tiếp. Bạn phải là người tự luyện tập và tìm hiểu về Yoga để tự thấy được Yoga có thực sự giúp cho cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn không.
Nguyên,
(Sẽ còn tiếp)