Tại sao bạn không ngừng suy nghĩ khi Thiền?

Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà mình nhận được trong quá trình dạy và hướng dẫn Thiền đó là :”Thiền có phải là không suy nghĩ gì không?” hoặc một câu hỏi tương tự là :”Làm sao để không suy nghĩ gì khị Thiền?”

Vào trước 2019, mình đã biết câu trả lời cho câu hỏi này là thiền không phải là không suy nghĩ và cũng rất khó để không suy nghĩ khi Thiền. Ngay cả các thầy sư, sư cô thiền lâu năm vẫn không thể thoát được điều này. Tuy nhiên, phải đến 2019, sau khi hoàn thành một khoá học chuyên sâu hơn về Thiền, mình mới biết rõ hơn lý do tại sao.

Nguyên nhân là vì trong não chúng ta có một hệ thống gọi là Default Network System, dịch đơn giản là Hệ Thống Kết Nối Mặc Định. Đây cũng là một khái niệm mới trong khoảng vài thập kỷ trở lại nay sau khi các nhà khoa học đo được sóng điện hoạt động của não ở những người đáng lẽ ra họ phải ở trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn mà không có hoạt động gì.

Điều đó có nghĩa dù muốn hay không, não của bạn sẽ luôn hoạt động, luôn suy nghĩ.

Hệ thống này thường hoạt động chính ở 3 khu vực là:

  • Thuỳ não (trước trán): chịu trách nhiệm cho các công việc nào đòi hỏi nhiều suy nghĩ phức tạp như lên kế hoạch, chiến lược, nhận thức…
  • Võ não đai của hệ viền (limbic system): chịu trách nhiệm cho việc xử lý các cảm xúc
  • Tiểu thuỳ đỉnh dưới của thuỳ đỉnh (đỉnh đầu): chịu trách nhiệm cho các tính toán, logic. Ngoài ra cũng xử lý các cảm giác và không gian xung quanh.

Điều này cũng không có gì bất ngờ. Từ xa xưa đến giờ, chúng ta sẽ luôn phải trong trạng thái cần cảnh giác để đối mặt với những hiểm nguy xung quanh và tìm cách làm sao để sinh tồn. Lấy một ví dụ vui là dù bạn đang ngủ nhưng nếu có một con muỗi bay vo ve xung quanh bạn hoàn toàn có thể vừa ngủ vừa đập muỗi.

Hiểu được điều đó để chúng ta biết rằng, việc mình suy nghĩ hoặc khó tập trung hoàn toàn khi Thiền là điều hết sức bình thường.

Đó là lý do khi bạn nhắm mắt vào và Thiền, nhiều bạn sẽ thấy nó còn làm cho mình “suy nghĩ” còn nhiều hơn cả khi mở mắt. Đơn giản là khi bạn tắt bớt một giác quan (mắt), nó sẽ có nhiều năng lượng hơn cho những hoạt động khác của não, ví dụ ở đây là suy nghĩ, lên kế hoạch, nghĩ về những cảm xúc bực bội, vui vẻ… hoặc tính xem doanh số tháng này bao nhiêu…

Với bản thân mình, mình cũng không kỳ vọng đạt được trạng thái không suy nghĩ gì vì với mình suy nghĩ (thinking) rất quan trọng. Nó giúp mình sống, chiêm nghiệm, và tư duy.

Khá thú vị là theo mình thấy có khá nhiều bạn thích có “năng lực siêu nhiên” này, đó là điều khiển bật tắt hoàn toàn chế độ suy nghĩ. Có thể vì bạn thấy các hình ảnh thầy sư hay Đức Phật ngồi thiền yên tĩnh hoàn toàn hoặc bạn muốn lòng bất biến giữa đời vạn biến? Hay là chúng ta nghĩ phía bên kia của trạng thái không suy nghĩ gì là một thế giới “giác ngộ” khác?

Tuy nhiên, khi luyện tập Thiền, đúng là một trong những điều chúng ta cần làm là “hạn chế” việc suy nghĩ càng nhiều càng tốt để chúng ta có thể quan sát và nhận thức được các tầng sâu hơn như tiềm thức, vô thức đồng thời là các cảm giác, cảm xúc và năng lượng hiện hữu.

Để hạn chế được việc suy nghĩ, bạn sẽ cần một điểm để tập trung, đó là lý do chúng ta cần dựa vào hơi thở, một vật nào đó hoặc một câu niệm chú (mantra) tuỳ vào thể loại thiền bạn thực hiện để đưa sự tập trung và nhận thức về một nơi có kiểm soát hơn.

Có thể nói với việc làm này, chúng ta “tắt bớt” và giảm bớt hoạt động của những hoạt động não không quan trọng để có thể “cảm nhận” và nhận thức tốt hơn những điều quan trọng hơn. Những điều quan trọng hơn đó là gì thì mình sẽ nói ỡ những bài tiếp theo. Hy vọng mình đã trả lời được câu hỏi trên.

Chia Sẻ Bài Viết:

Bài viết trên thuộc series các câu chuyện cá nhân Nguyên chia sẻ qua email hàng ngày.

Đăng ký làm hội viên miễn phí để được nhận các câu chuyện mới sớm nhất qua email!

viVietnamese